image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đền Hạ, làng Hoàng Đan, xã Yên Hưng

              Đền Hạ toạ lạc tại xóm Thanh Vân, làng Hoàng Đan (tức thôn 4, xã Yên Hưng theo địa giới hành chính hiện nay). Căn cứ vào tài liệu lịch sử và truyền thuyết địa phương, đền Hạ là nơi thờ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung – Quý phi của vua Lê Thần Tông, mẹ vua Lê Chân Tông.

Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Thần tích Việt Nam”, đặc biệt là văn bia “Phụng Hoàng Long điện bi ký” do Tiến sỹ khoa Quý Mùi Lương Nghi soạn vào năm 1684 thì thân thế và sự nghiệp của Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung như sau:

Vào thời Hậu Lê tại làng Thoi, xã Hoàng Đan, tổng Hưng Xá nay là làng Hoàng Đan, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, có gia đình ông Nguyễn Đăng Ích làm nghề dạy học, vợ là bà Đinh Đại Ích sống hiền lành, nhân đức. Năm 1604, ông bà sinh được một người con gái đặt tên là Nguyễn Thị Ngọc Bạch. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã rất thông minh nhanh nhẹn, lại được cha mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ kèm cặp nên sớm trở thành một người tài sắc vẹn toàn. Thường ngày bà cùng các bạn trong làng ra bãi ven sông vừa hái dâu cắt cỏ vừa ca hát.

Một hôm vua Lê Thần Tông ngự thuyền trên sông Đáy, khi đi qua làng Thoi thì nghe thấy tiếng hát trong trẻo ngọt ngào: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Bao nhiêu thảo mộc, lại hàng tay ta”. Nghe lời ca xao động lòng người, vua Lê Thần Tông bèn cho người lên dò xét, biết đó là tiếng hát của Ngọc Bạch – một người con gái cắt cỏ ven sông, đặc biệt trên đầu lơ lửng đám mây xanh hình dáng như chiếc lọng. Nhà vua lấy làm lạ vì khi thấy Hoàng đế, mọi người thường đến lạy phục còn cô thì vẫn thản nhiên cắt cỏ và ca hát nên truyền gọi bà đến. Thấy bà có nhan sắc diễm lệ, đối đáp thông minh trôi chảy, vua Lê Thần Tông đem lòng yêu mến, đưa về cung, phong làm Quý phi và đổi tên thành Nguyễn Thị Phương Dung. Sau đó nhà vua truyền chỉ đổi tên xóm Thinh thành xóm Thanh Vân (mây xanh).

Vào cung hơn một năm, Quý phi Nguyễn Thị Phương Dung có mang, giữa năm Canh Ngọ (1630) thì sinh hạ Hoàng tử Lê Duy Hựu. Tháng 10 năm 1643, Hoàng tử được vua cha truyền ngôi lên làm Hoàng đế, đặt niên hiệu Phúc Thái và gọi là vua Lê Chân Tông. Ở ngôi vua được 7 năm thì vua Lê Chân Tông mất, Thượng hoàng Lê Thần Tông trở lại ngôi vua. Trong suốt thời gian ở trong cung, bằng sự thông minh, đoan trang, hiền thục của mình Quý phi Nguyễn Thị Phương Dung luôn xử trí thoả đáng mọi việc, được nhà vua yêu thương hết mực, quan quân trong triều kính phục, các hoàng tử, công chúa của nhà vua kính nể. Bà không chỉ làm tốt vai trò của mình ở hậu cung mà còn xin ân điển của nhà vua để giúp đỡ và đem lại cuộc sống ấm no cho dân làng Hoàng Đan.

Năm 1664, Quý phi Nguyễn Thị Phương Dung qua đời. Theo nguyện vọng của bà, triều đình nhà Lê đã cho thuyền rồng rước linh cữu bà về an táng tại quê nhà. Năm 1684, vua Lê Hy Tông truy tôn bà là Minh Thục Trinh tĩnh Thuần hoà Hoàng Thái hậu, sau đó sai người xây dựng Đền Hạ ở làng Hoàng Đan để thờ phụng, ban cho 10,5 mẫu ruộng để hương hoả, chi dùng cho việc thờ cúng. Ngoài ra nhà vua còn sai người dựng nhà bia và tạc bia đá để đời đời tưởng nhớ công ơn của bà. Người dân làng Hoàng Đan suy tôn bà làm Thành hoàng làng.

Như vậy đền Hạ được khởi dựng đầu tiên vào năm 1684, công trình kiến trúc theo kiểu “Tiền nhất hậu đinh” gồm 3 toà: Tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian và hậu cung một gian. Đến thế kỷ thứ XIX, do sự tàn phá của thiên nhiên, ngôi đền bị xuống cấp, dân làng đã trùng tu lại. Trong lần trùng tu này, người dân đã đảo ngói, bó bờ lại toà tiền đường.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, toà tiền đường bị phá huỷ, toà trung đường bị hư hỏng nặng nên nhân dân địa phương đã trùng tu lại toàn trung đường 2 lần vào năm 1963 và năm 2008.

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, năm 2019, người dân địa phương đã huy động các nguồn lực xã hội phục dựng lại toà tiền đường.

Đền Hạ được xây dựng trong một khu đất rộng 960m2, mặt quay hướng Tây Nam. Trên mặt bằng tổng thể hiện nay, đền Hạ gồm các hạng mục: Cổng, sân, nhà bia và công trình kiến trúc chính theo kiểu “Tiền nhất hậu đinh” gồm tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian, và hậu đường 1 gian.

Đền Hạ là di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử. Đây là công trình kiến trúc được xây dựng từ thế kỷ XVII, để thờ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung – Quý phi của vua Lê Thần Tông – một người phụ nữ có đầy đủ những phẩm chất cao quý công – dung  - ngôn – hạnh. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đền Hạ là cơ sở cách mạng của địa phương, nuôi giấu cán bộ Việt Minh, nơi tập kết lương thực, hàng hoá phục vụ kháng chiến. Ngoài ra, đền Hạ còn là địa điểm dạy học cho con em trong làng. Những đóng góp của di tích qua các thời kỳ cách mạng vừa ghi nhận quá trình đấu tranh gian khổ của nhân dân địa phương, vừa là chứng cứ khẳng định thêm giá trị của di tích.

Đền Hạ là một công trình kiến trúc có giá trị. Mặc dù đã  trải qua nhiều lần tu sửa tôn tạo nhưng vẫn lưu giữ được phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Hiện nay tại di tích còn lưu giữ được một số di vật có giá trị lịch sử, văn hoá góp phần nghiên cứu về mảnh đất, con người Yên Hưng, Ý Yên xưa và nay. Đặc biệt có thể kể đến tấm bia đá “Phụng Hoàng Long điện bi ký” được soạn khắc vào năm 1684 nội dung ca ngợi đức hạnh, công lao của Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Phương Dung đối với quê hương đất nước và mảnh đất Hoàng Đan cùng việc thờ cúng bà tại đền.

Hàng năm, tại đền diễn ra lễ hội đầu xuân (từ ngày 16 đến ngày 17 tháng Giêng). Trong ngày lễ diễn ra các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian như: Dâng hương, tế, rước kiệu, hát chèo… góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương, đồng thời thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học và thẩm mỹ của di tích, chính quyền và nhân dân địa phương đã làm đơn đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định, xếp hạng di tích Đền Hạ. Qua quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị, ngày 14 tháng 10 năm 2021, UBND tỉnh Nam Định đã ra quyết định số 2221/QĐ-UBND xếp hạng và cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử cho di tích Đền Hạ (Điện Hoàng Long) xã Yên Hưng. Đây là niềm vinh dự cho chính quyền và nhân dân thôn Hoàng Đan, xã Yên Hưng, cũng là căn cứ để tạo điều kiện bảo tồn, phát huy giá trị di tích ngày một tốt hơn.

Cơ quan chủ quản: Xã Yên Hưng Huyện Ý Yên
Địa chỉ: Xã Yên Hưng - huyện Ý Yên- tỉnh Nam Định
Email: xayenhung.yyn@namdinh.gov.vn
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang